Ông Thanh cho biết, phát thải KNK từ nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất ước tính 43,1%, trong đó canh tác lúa nước đóng góp 57,5%, sử dụng đất nông nghiệp chiếm 21,8%, chăn nuôi và chất thải chăn nuôi 11,9%.
Trong giai đoạn 2008 - 2012, ngành đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm phát thải KNK như áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng thích ứng với BĐKH; triển khai mô hình lúa - tôm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL),… trong lĩnh vực trồng trọt.
Ngành đã xây dựng quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Lĩnh vực chăn nuôi đã đẩy mạnh ứng dụng công trình khí sinh học. Hiện có khoảng 500.000 công trình khí sinh học trên toàn quốc, trong đó 170.000 công trình do Bộ NN&PTNN trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và trợ giá. Quy trình VietGAP cũng được đẩy mạnh ứng dụng trong chăn nuôi.
Để phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, bộ đã quy hoạch chống ngập cho các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, và Hải Phòng. Nhiều biện pháp lồng ghép BĐKH và nước biển dâng được lồng ghép vào chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
Nhằm ứng phó với BĐKH, hàng loạt dự án đã được thực hiện trong giai đoạn 2008-2012 với tổng số vốn lên tới 567,7 triệu USD, trong đó phần lớn được tài trợ bởi các đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Nông lương Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Chương trinh Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chính phủ Úc, Đức và Na Uy,…vv.
Tuy đã có những nỗ lực nhất định nhưng công tác thích ứng với BĐKH trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế như: các nguồn tài trợ quốc tế cho phát triển nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư lớn trong nước; năng lực tiếp nhận và triển khai các gói hỗ trợ quốc tế của các bộ ngành liên quan chưa đáp ứng được yêu cầu, việc thực hiện còn chậm, giảm hiệu quả của nguồn tài trợ; thiếu hệ thống pháp luật cho BĐKH và thích ứng với BĐKH trong nông nghiệp chưa được ưu tiên cao ở cấp quốc gia,..vv.
Theo đề án giám phát thải KNK trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 20% lượng phát thải KNK trong nông nghiệp, nông thôn, tương đương 18,87 triệu tấn CO2e.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNN đang kêu cọi đầu tư vào một loạt các dự án trong giai đoạn 2013-2015 với tổng vốn đầu tư khoảng 935,5 triệu USD từ các đối tác quốc tế như WB, ADB và chính phủ Nhật Bản. Trong đó chương trình giảm phát thải FCPF/WB cần vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu USD.